Tối 7/5, không khí lạnh tràn về gây mưa ở nhiều tỉnh thành, nhiệt độ miền Bắc giảm xuống khoảng 20 độ C so với những ngày trước, như Hà Nội còn 23 độ C, Nghệ An 27 độ C. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đây là hình thái thời tiết có hại cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch.
Cụ thể, trong giai đoạn giao mùa, hệ miễn dịch trẻ nhỏ non nớt khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên với nhiều triệu chứng, trong đó ho là phổ biến.
Một số bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp trong mùa hè như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm họng thanh quản. Bệnh có thể tự khỏi, song một số trường hợp biến chứng xuống phổi, cần nhập viện điều trị sớm. Ngoài ra, trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp, viêm phế quản mạn tính, viêm phổi, áp xe phổi, hen do thay đổi thời tiết.
Nhóm người cao tuổi, suy giảm miễn dịch cũng dễ bị virus, vi khuẩn tấn công khi nhiệt độ giảm đột ngột, như tai biến mạch máu não, liệt 7 ngoại biên (liệt mặt), các bệnh lý cơ xương khớp. Người cao tuổi có bệnh lý mạn tính rất dễ bùng phát các đợt cấp, gây suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài các bệnh hô hấp, nhiệt độ giảm đột ngột khiến độ ẩm, gió, ánh nắng thay đổi, cũng dễ gây các bệnh về da. Bác sĩ Ngô Thị Ngọc Vân, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y dược TP HCM, cho biết khi nắng nóng, nhiệt độ cao khiến da tiết nhiều dầu, luôn trong tình trạng ẩm ướt. Còn khi nhiệt độ cùng độ ẩm xuống thấp, da của những người mẫn cảm có thể trở nên khô. Nguyên nhân do hàng rào bảo vệ da bị phá hủy, da dễ bị viêm và kích ứng hơn. Sự thiếu độ ẩm ở lớp sừng gây nên các vết nứt nẻ trên bề mặt da, khiến mọi người cảm thấy ngứa ngáy, nứt da, chảy máu. Da cũng dễ bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn xâm nhập cơ thể.
Ngoài ra, khi nhiệt độ giảm, chúng ta thường khát nước hơn. Nếu không được cấp nước đầy đủ, bạn dễ bị ngứa, càng cào gãi càng dễ gây tổn thương khiến viêm da nặng nề hơn. Theo bác sĩ, nhóm có nguy cơ cao là người bị viêm da dị ứng thời tiết, người có làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng, hệ miễn dịch yếu. Ngoài ra, người hay bị mề đay, chàm, khô da vảy cá, viêm da cơ địa, vảy nến cũng cần cẩn thận.
Nhiệt độ giảm đột ngột là yếu tố thuận lợi khiến người già, trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch dễ mắc bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, biện pháp quan trọng nhất là tăng sức đề kháng nói chung, thông qua dinh dưỡng, tập luyện, duy trì thuốc và đi viện kịp thời khi có dấu hiệu trở nặng.
Mọi người cần ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái. Tăng cường thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo. Bổ sung thêm nước, vitamin và khoáng chất, các loại rau màu tím, xanh và các loại trái cây màu vàng, cam. Tập luyện thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Giữ gìn vệ sinh, tắm rửa thường xuyên, thay quần áo sạch, đặc biệt là quần áo lót. Vệ sinh môi trường xung quanh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Trường hợp bé chuyển nặng như sốt cao liên tục không hạ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, gia đình cần đưa các em đến viện khám và điều trị kịp thời. Tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người cao tuổi cần uống thuốc theo chỉ định, hạn chế đến nơi đông người.
Kinh tế Việt - https://kinhteviet.vn/. All Right Reserved
Email: mediavietnam9999@gmail.com